TỔNG HỢP KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ XE BƠM BÊ TÔNG HYUNDAI EVERDIGM
Xe bơm bê tông là thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực xây dựng để vận chuyển bê tông đến vị trí cần thiết mà không phải sử dụng nhiều đến nhân lực. Vị trí cần thiết như chiều cao, độ sâu cũng như là khoảng cách xa hoặc chiều cao và chiều dài kết hợp.
PHÂN LOẠI CÁC DÒNG BƠM BÊ TÔNG TRÊN THỊ TRƯỜNG HIỆN NAY
Bơm bê tông được phân loại theo hãng như: Hyundai Everdigm, Puzmeiter, Junjin, Sany,... Thông thường bơm bê tông được phân loại theo địa hình sử dụng. Gồm các loại bơm chính như sau:
- Bơm cần (Truck pump).
- Bơm chuyển (Line pump).
- Bơm ngang (tĩnh) (Trailer pump).
- Bơm tháp (Placing pump).
Bơm bê tông được sử dụng nhiều trong xây dựng, thiết bị này dùng để chuyển bê tông đến vị trí mà nhân lực không đáp ứng được. Nhờ vào năng suất cao và thời gian ngắn đảm bảo được chất lượng khối đổ nên hầu như tất cả các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp đều có sự hiện diên của bơm bê tông.
SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA THƯƠNG HIỆU EVERDIGM
Hanwoo là một công ty chuyên sản xuất các thiết bị phục vụ cho ngành xây dựng của Hàn Quốc. Sản phẩm của Hanwoo chỉ thuần túy là các thiết bị và phụ tùng phụ trợ.
Năm 1996, Hanwoo đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chế tạo các vật liệu cơ tính cao để phục vụ cho sản xuất thiết bị của mình và bước đầu chế tạo thiết bị bơm bê tông với sự hỗ trợ của hãng bơm bê tông Putzmeiter nổi tiếng của Đức.
Năm 2001, Hanwoo chính thức kinh doanh thiết bị bơm bê tông của chính mình, và tất cả các thiết bị bơm bê tông của Hanwoo đều được đóng trên nền xe cơ sở của Deawoo với thương hiệu Hawoo concrete pump. Thiết bị bơm bê tông của Hanwoo dần dần được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến với khả năng làm việc hiệu quả và độ tin cậy cũng như độ bền cao. Kế thừa những thành công đó, Hanwoo đã sản xuất thêm nhiều sản phẩm đa dạng như: xe chữa cháy, búa phá đá, máy khoan đá,...
Năm 2003, Hanwoo đã thành lập công ty con có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Và cũng trong năm này, Vitrac tự hào khi trở thành đơn vị đồng hành cùng thương hiệu này, phân phối độc quyền các sản phẩm mới 100% duy nhất tại Việt Nam.
Năm 2007, Hanwoo chính thức đổi tên thành Everdigm - Tên thương hiệu toàn cầu. Điều này chứng tỏ rằng sản phẩm của Everidgm được toàn thế giới tin dùng. Everdim là kết hợp từ cụm từ Everlasting Paredigm - Một mô hình bền vững với thời gian.
Năm 2015, Everdigm sát nhập vào tập đoàn kinh tế đa ngành Hyundai, lấy tên thương hiệu là Hyundai Everdigm. Sự kết hợp giữa hai tập đoàn nổi tiếng đã tạo ra thương hiệu máy bơm bê tông Hyundai Everdigm, sở hữu thiết kế tinh tế cùng hiệu suất làm việc vượt trội.
PHÂN TÍCH DÃY SẢN PHẨM BƠM BÊ TÔNG ĐA DẠNG CỦA TẬP ĐOÀN HYUNDAI EVERDIGM
A. XE BƠM BÊ TÔNG CẦN HYUNDAI EVERDIGM
Hiện này các sản phẩm bơm cần của Everdigm có hình dạng cần nâng thay đổi khác nhau, và được xếp gọn trên nền xe tải nặng Hyundai.
Xe bơm bê tông cần được phần loại theo chiều dài cần:
00 AB
- 00: Chỉ chiều dài cần (m). Ví dụ 38 m.
- A: Chỉ loại hình dạng cần.
- B: Chỉ dạng chân chống.
Thông thường A được ký hiệu là R, C, Z và B được ký hiệu là T, S, X:
- R (Roll): Cần cuộn.
- C (Combine): Kết hợp.
- Z: Gấp theo hình dạng Z.
Ví dụ xe bơm bê tông cần Hyundai Everdigm 42RX có chiều dài cần xấp xỉ 42 m và cần dạng cuộn Roll với chân chống hình chữ X. Còn xe bơm cần 60CS có chiều dài cần xấp xỉ 60 m, dạng cần gấp kiểu C và chân chống hình vuông (Square and Swing)
Các dạng cần bơm
Dạng cần cuộn (Roll boom)
Dạng cần chữ Z (Z boom)
Các dạng chân chống
Chân chống chữ X
Seri ZX, RX, CX
Chân chống kiểu S (Swing)
Seri RS và CS
Cấu tạo xe bơm bê tông cần
Kết cấu của xe bơm cần gồm: nền xe tải nặng từ ba trục trở lên. Bộ phận cần gồm 4 đoạn liên kết với nhau, trên đó được bố trí các đoạn ống để vận chuyển bê tông. Bê tông được chuyển vào bộ phận của nạp liệu. Bê tông được vận chuyển từ đây lên đến vị trí cần thiết thông qua hai xy lanh có hành trình tuần tự. Toàn bộ bơm thủy lực được bố trí sau hộp số và có bộ cắt cầu riêng biệt. Hệ thống điều khiển bơm bê tông bao gồm các bộ phận sau:
- Bộ phận cài bơm thủy lực.
- Bộ phân điều khiển bơm trực tiếp.
- Bộ phần điều khiển cần trực tiếp.
- Bộ phân ra chân.
- Bộ phân điều khiển không dây.
Hệ thống cài bơm thủy lực
Nhiệm vụ chuyển truyền động từ hộp số di chuyển sang truyền động bơm thủy lực. Khi thao tác cài bơm thực hiện. Nền xe cơ bản sẽ mất khả năng di chuyển và chỉ còn hệ thống bơm thủy lực hoạt động. Các bước cài bơm thủy lực:
1. Khởi động động cơ.
2. Đồng hồ áp lực khí nén đạt 6 kgf/cm2 trở lên.
3. Nhấn và giữ côn (ambaraza).
4. Ấn công tắc PTO (giữ trong 2 giây) và nghe thấy tín hiệu báo “ tin..tin..”.
5. Ấn công tắc cài cầu bơm. (giữ trong 2 giây).
6. Vào số 5.
7. Đồng hồ vòng tua sẽ tự động lên tua.
8. Nhả côn ra từ từ và nhấn vào 3 lần. Đồng hồ tốc độ đạt 40km/h. Bơm thủy lực đã cài thành công.
P.T.O : Power take-off. Chuyển mạch điều khiển bơm.
HỆ THỐNG THỦY LỰC CỦA XE BƠM BÊ TÔNG CẦN EVERDIGM
Các đặc tính cơ bản của dầu thủy lực
Khi nói đến dầu thủy lực người ta thường nghĩ đến ngay khả năng chịu nén tuyệt vời của nó. Với độ nhớt động học khoảng 100 đến 120 ST và khả năng chịu nhiệt lên dến 2000C cộng thêm đặc tính chống ăn mòn khí quyển thì khả năng ứng dụng vào các kết cấu tạo lực mang đến hiệu quả và năng suất cho thiết bị rất lớn.
Phân loại dầu thủy lực
Dầu thủy lực được phân thành 3 loại theo tiêu chuẩn quốc tế:
- Iso 32 tương đương No10 (Gost).
- Iso 46 tương đương No27 (Gost).
- Iso 68 tương đương No32 (Gost).
Khi dầu thủy lực dùng trong môi trường công nghiệp nặng hoặc thiết bị làm việc nặng thì được ký hiệu là HD (heavy duty). ISO32 thông thường được sử dụng ở xứ lạnh với nhiệt độ trung bình hàng năm 10 - 15 độ C. Và ISO46 thường được sử dụng ở các nước cận nhiệt đới (ví dụ ở Việt Nam). ISO68 và ISO100 thường được sử dụng ở môi trường hoang mạc, khí hậu nóng khắc nghiệt.
Các thông số kỹ thuật chính của bơm cần Everdigm
- Chiều dài cần (Long of boom): là chiều dài tính từ tâm quay đến điểm cuối của đoạn cuối cùng.
- Số đoạn cần (Section of boom): là số đoạn của cần.
- Tầm bơm theo phương thẳng đứng (vertical reach): là độ cao hết tầm của cần.
- Tầm bơm theo phương ngang (Horizon reach): là chiều ngang duỗi ra hết cần.
- Độ sâu bơm (Depth reach): Là độ sâu mà cần có thể đưa xuống.
- Đường kính xi lanh đẩy bê tông (Diameter of delivery pipe): là đường kính trong của hai xy lanh đẩy bê tông.
- Góc quay của cần (Slewing ranger): là góc quay tới hạn mà cần có thể thực hiện được.
- Kiểu chân chống (Outrigger): là dạng chân chống mà thiết bị thực hiện khi làm việc.
- Lưu lượng ra của bê tông trên trục (Max.theo.Concrete output on rod): là lưu lượng ra của bê tông sinh ra trên trục của piston.
- Lưu lượng ra của bê tông trên piston (Max.theo.Concrete output on piston): là lưu lượng ra của bê tông sinh ra trên piston.
- Áp suất ra của bê tông trên trục (Max.theo.Concrete pressure on rod): là áp suất ra của bê tông sinh ra trên trục của piston.
- Áp suất ra của bê tông trên piston (Max.theo.Concrete pressure on piston): là áp suất ra của bê tông sinh ra trên piston.
Cấu tạo động lực hệ thống thủy lực của xe bơm cần và dòng LPxxxx
Bơm thủy lực của bơm bê tông Everdigm
Bơm chính của xe bơm bê tông cần Everdigm thường sử dụng loại bơm Bosch-Rexroth A4VG…HD. Trong đó các ký hiệu biểu thị như sau:
A4VG…HD
- A4: Loại điều khiển 4 trục (4 - axial).
- V: Loại thể tích thay đổi được (variable).
- G: Mạch kín.
- …: Năng suất bơm trong một phút (lít/phút).
- HD: Công suất lớn.
Ví dụ: A4VG 180HD.
Dòng bơm thủy lực điều khiển 4 trục với thể tích thay đổi được hoạt động với cơ chế điều khiển mạch kín có năng suất bơm cực đại 180 lít/phút và kiểu bơm làm việc với công suất lớn.
Hệ thống PTO là một hệ thống dùng để tách rời hai quá trình hoạt động độc lập khác nhau. Trong hệ thống xe bơm cần Everdigm bộ PTO dùng đóng mở kết nối với hệ thống bơm thủy lực và hệ thống di chuyển.
Hệ thống thủy lực của bơm cần Everdigm
Mô tả quá trình hoạt động của bơm bê tông
Bê tông được cho vào phễu nạp liệu (Hopper), motor khuấy được kích hoạt để trộn bê tông liên tục. Khi kích hoạt công tắc bơm trên tủ điện hoặc romote thì van điện sẽ mở và cấp dòng thủy lực cho hệ thống quả lắc (S-tube) chuyển vị trí và đồng thời một xi lanh điều khiển sẽ thực hiện tuần tự hút bê tông vào lòng xy lanh bê tông và xi lanh điều khiển còn lại sẽ thực hiện ép bê tông từ lòng xy lanh bê tông qua quả lắc đẩy bê tông vào hệ thống ống chuyển.
Buồng làm mát là nơi chứa dung dịch làm mát gồm nước sạch và 0,5 lit dầu thủy lực nhằm mục đích làm mát da bơm (piston Ram) và bôi trơn lòng xy lanh bê tông. Mặt khác buồng làm mát còn dùng để thực hiện công việc thay da bơm và theo dõi quá trình mòn da bơm. Mặt chà tĩnh (wear plate) là tấm bạc ngăn cách giữa xylanh và quả lắc nhằm tạo độ kín khít khi hoạt động. Mặt chà được chế tạo từ Cac bit von fram ( Cabite Tungtens) là hợp kim cứng nên khả năng chống mài mòn và tải va đập cao.
Hệ thống bơm bê tông của Everdigm
Số hiệu của hệ thống bơm
Mã bơm | Đường kính xy lanh điều khiển / Đường kính ty xy lanh (mm) | Hành trình (mm) | Đường kính xy lanh bơm dia. (mm) | Bơm chính A4VG series Bosch Rexroth | Năng suất bơm (m3/h) / pressure (kg/cm2) rod side | Áp dụng |
1005 | 100/63 | 1000 | 180 | 71HDx1 | 50/30 | TP570 |
1409 | 110/63 | 1400 | 200 | 125HDx1 | 90/70 | 24 - 28, LP970 |
1609 | 110/63 | 1600 | 200 | 125HDx1 | 90/70 | TP970 |
1611 | 140/80 | 1600 | 230 | 180HDx1 | 110/85 | 28, LP1190 |
2110 | 160/100 | 2100 | 180 | 180HDx2 | 100/169 | TP1017 |
160/90 | 2100 | 200 | 180HDx2 | 100/150 | TP1015 | |
140/80 | 2100 | 200 | 125HDx2 | 100/120 | TP1012 | |
120/80 | 2100 | 200 | 125HDx1 | 100/70 | 32-37 | |
2111 | 160/90 | 2100 | 200 | 180HDx2 | 110/150 | LP1115 |
2112 | 140/80 | 2100 | 200 | 125HDx2 | 120/115 | LP1212 |
2113 | 120/80 | 2100 | 230 | 125HDx1 | 130/54 | 32-37 |
2114 | 130/80 | 2100 | 230 | 180HDx1 | 140/70 | 32 - 40, 43RX |
2116 | 140/80 | 2100 | 230 | 125HDx2 | 160/85 | 32-52 |
2516 | 140/80 | 2500 | 230 | 125HDx2 | 160/85 | 50-60 |
Lưu ý: thông số chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi mà không báo trước.
Piston side (Phía piston) : Biểu thị áp lực của dầu thủy lực từ bơm chính tác động vào phần chỉ có piston của xy lanh điều khiển Rod side (phía ty xy lanh) : Biểu thị áp lực của dầu thủy lực từ bơm chính tác động vào phần chỉ có trục của xy lanh điều khiển. Mặt khác ta có thể hiểu rằng đây là phương pháp kết nối đường tác động của bơm thủy lực.
Nếu bơm bê tông cho những tòa nhà cao trên 25 tầng thì phải chuyển về kết nối phía piston side và ngược lại. Nguyên nhân do diện tích tác động lên piston lớn hơn nhiều so với trục nên áp suất sẽ cao làm cho lực đẩy bê tông sẽ mạnh hơn.
Piston side và rod side
Phương pháp kết nối khi bơm nhà cao tầng
Cần chú ý là khi bơm nhà cao tầng thì áp lực bơm sẽ cao nhưng năng suất bơm sẽ giảm đi.
Hệ thống van chuyển bê tông
Trong nguyên lý hoạt động của bơm bê tông có nhiều loại bơm bê tông nhưng thông dụng nhất vẫn là kiểu bơm chuyển thông qua van chữ S.
Van chuyển bê tông kiểu chữ C (C - tube)
Ưu điểm:
+ Kết cấu gọn, hướng đẩy bê tông thẳng phía trước.
+ Đơn giản dễ thay thế.
Nhược điểm:
+ Dễ gây văng tóe bê tông.
+ Trở lực ngõ ra lớn, dễ tắc bê tông.
+ Hoạt động gây ồn và không bền.
Van chuyển bê tông kiểu chữ R (R - tube)
Ưu điểm:
+ Khả năng khuấy trộn bê tông tốt.
+ Kết cấu nhỏ gọn.
+ Hệ thống thủy lực điều khiển đơn giản.
Nhược điểm:
+ Phụ tùng hiếm.
+ Năng suất đẩy bê tông kém.
+ Dung tích phễu chứa nhỏ.
+ Độ ồn khi làm việc cao.
Van chuyển bê tông dạng ép đùn (squeezer - tube).
Ưu điểm:
+ Bê tông luân chuyển liên tục.
+ Kết cấu nhỏ gọn.
+ Hệ thống thủy lực điều khiển đơn giản.
+ Thực hiện được cho loại bê tông mác thấp.
Nhược điểm:
+ Phụ tùng rất hiếm và đắt tiền.
+ Khả năng khuấy trộn bê tông kém.
+ Dung tích phễu chứa nhỏ.
+ Độ ồn khi làm việc cao.
Hệ thống bơm bê tông của Everdigm thực hiện cơ chế chuyển bê tông thông qua van chữ S nên đáp ứng được yêu cầu làm việc cũng như bảo trì bảo dưỡng và đặc biệt dễ thay thế.
Mạch thủy lực cơ bản của xe bơm bê tông thông thường
Một mạch thủy lực cơ bản bao gồm các phần tử như sau:
1: Thùng dầu thủy lực ( oil hydraulic tank). - 2: Bơm thủy lực hệ thống điều khiển, chân chống, quạt làm mát, bơm nước. - 3: Bơm quả lắc. - 4: Bơm chính. - 5: Hộp số chuyển mạch bơm. - 6: Bơm thủy lực của hệ thống cần. - 7: Bộ tích áp. - 8: Van điều khiển xy lanh bơm. 9: Van điều khiển quả lắc. 10: Hệ thống truyền động quả lắc. 11: Quạt làm mát dầu thủy lực.
Hiện nay nhiều hãng sản xuất bơm bê tông thường áp dụng phương pháp thủy lực điều khiển hở và điều khiển kín trên thiết bị của mình.
Hệ thống thủy lực mạch kín FFH (Free Flow Hydraulic)
THÙNG DẦU THỦY LỰC => BƠM CHÍNH => XY LANH => BƠM CHÍNH
Đây là chu trình thủy lực áp dụng cho hệ thống bơm cần của xe bơm bê tông Everdigm. Lượng dầu thủy lực sẽ từ xy lanh quay trực tiếp trở lại bơm chính, chỉ một lượng nhỏ dầu thủy lực được trích ra để trả về thùng dầu nhằm làm mát dầu.
Hệ thống thủy lực mạch hở (Open hydraulic)
THÙNG DẦU THỦY LỰC => BƠM CHÍNH => XY LANH => THÙNG DẦU THỦY LỰC
Các bạn có thể tham khảo bảng so sánh chi tiết về chu trình điều khiển hở và điều khiển kín của xe bơm bê tông: TẠI ĐÂY
Bộ tích áp (Accumulator) và hư hỏng thường gặp.
Khi môi chất dầu ra khỏi bơm thủy lực luôn có độ dao động rất lớn sẽ làm cho các hệ thống như motor, ben thủy lực sẽ có tình trạng hoạt động không đều và không đồng bộ. Để tránh tình trạng này người ta dùng bộ tích áp trong hệ thống thủy lực để tạo ra một nguồn áp suất ổn định và có độ cộng hưởng áp mong muốn.
Bình tích áp cấu tạo gồm một vỏ thép, bên trong có một quả bóng cao su đặc biệt. Quả bóng cao su được bơm đầy khí Nitơ (N2) với áp suất khoảng 60 bar đến 90 bar.
Tính chất của khí Nitơ
Nitơ là một chất khí không màu, không mùi, có khối lượng phân tử là 14. Khí nitơ hóa lỏng ở nhiệt độ -196 độ C và hóa rắn ở nhiệt độ -210 độ C. Khí nitơ chiếm 78% thể tích của bầu khí quyển. Nitơ có đặc tích không phản ứng cháy nổ trong môi trường áp suất cao. Nitơ chỉ phản ứng nổ với oxi khi nhiệt độ môi trường đạt trên 3000 độ C.
Ngoài ra khí nitơ còn được sử dụng như một đệm giảm chấn và tăng áp suất tức thời. Với khả năng giãn nỡ và trơ trong các điều kiện thông thường nên khí nito ngày càng phổ biến nhiều trong công nghiệp lẫn dân dụng.
Trong hệ thống bơm bê tông của hãng Everdigm, bầu nitơ được sử dụng dùng ổn định áp suất và tăng tốc quả lắc theo cơ chế tiết lưu (rùa thỏ), áp lực của quả lắc luôn được giữ và ổn định ở áp suất 190 bar. Nếu trong quá trình hoạt động, quả lắc bị yếu thì ta cần chú ý đến áp lực quả lắc. Nếu áp lực không còn giữ ở mức 190 bar thì phải dừng máy ngay lập tức và kiểm tra áp lực của bầu nitơ như sau:
+ Dùng đồng hồ đo áp khí nitơ, nếu thấy áp khí yếu cần phải nạp lại nitơ đến giá tri 95 bar.
+ Dùng vis ấn nhẹ vào van đầu chai Nito, nếu thấy dầu thủy lực chảy ra thì khẳng định ngay: quả bóng cao su đã thủng.
Hệ thống quay cần
Hệ thống quay cần dùng để thay đổi vị trí bơm quanh tâm quay của xe. Hệ thống gồm một mâm quay có bộ truyền động thanh răng và bánh răng. Động lực dịch chuyển là nhờ 2 xy lanh có hành trình kép tạo chuyển động ngược chiều đẩy thanh răng di chuyển và dẫn động qua vành răng làm quay trụ cần. Các thanh răng và bánh răng có modun m = 4.5. Đối với hệ thống bơm cần từ 40m trở xuống thường dùng mâm quay kiểu xy lanh. Đối với những xe có chiều dài lớn hơn 40m dùng bộ quay mâm bằng motor dầu thủy lực.
Mâm quay bằng motor dầu thủy lực
Cần chú ý là khi quay cần theo một hướng nào đó cần phải chú ý đến hệ thống đường ống của cần, nếu không để ý đường ống sẽ bị đứt.
Hệ thống cấp phối (Hopper)
Hệ thống điều khiển không dây (Wirelless controler)
Trong quá trình hoạt động, người vận hành cần phải đứng tại một vị trí thuận lợi cho việc điều khiển và quan sát quá trình bơm, vì vậy bộ điều khiển không dây rất cần thiết đối với xe bơm bê tông cần.
Bộ thu: 150x150x120mm, gắn trong cabin xe bơm
Bộ phát 200x150x120mm: được đeo trên vai kỹ thuật điều khiển
Các phím công tắc trên remote điều khiển không dây (bộ phát) bao gồm:
- Công tắc đảo vị trí còi (reset) và ra chân chống.
- Công tắc bơm đẩy bê tông.
- Công tắc thực hiện hút ngược về.
- Công tắc chỉnh lưu lượng ra bê tông.
- Công tắc khẩn cấp áp dụng khi dừng thiết bị và khi xảy ra sự cố.
- Công tắc rùa thỏ cho hệ thống cần và quay cần.
- Công tắc khởi động hoặc tắt động cơ.
- Công tắc tăng giảm tốc độ động cơ.
- Kiểm tra pin nạp (sử dụng pin sạc).
- Công tắc ra vào của đoạn cần thứ 3 và thứ 4.
- Công tắc ra vào của đoạn cần thứ 2.
- Công tắc nâng hạ đoạn cần 1 và quay cần.
Các bạn có thể tìm mua Bộ điều khiển không dây HBC của Đức (727): TẠI ĐÂY
Vipec hiện phân dãy sản phẩm xe bơm bê tông cần đa dạng, với chiều dài cần bơm trải dài từ 21m đến 60m, từ thương hiệu Huyndai Everdigm. Các bạn có thể tham khảo thông số kỹ thuật chính của xe bơm cần Hyundai Everdigm TẠI ĐÂY
B. XE BƠM BÊ TÔNG TĨNH EVERDIGM (TRAILER PUMP)
Là thiết bị bơm bê tông tĩnh tại được đặt cố định tại một vị trí trong công trường có nhiệm vụ chuyển bê tông đến các khối đổ hoặc kết hợp với hệ thống bơm tháp. Bơm tĩnh không thể tự di chuyển được nên khi di chuyển người ta thường dùng xe kéo.
Xe bơm tĩnh Everdigm được phân loại theo năng suất và áp suất lớn nhất của bê tông khi bơm:
TP ABCD
- TP: Trailer pump.
- AB: Chỉ năng suất bơm (m3/h).
- CD: Chỉ áp suất bơm (bar).
Tất cả các chữ số ABCD biểu thị năng suất và áp suất bơm sinh ra phía có trục xy lanh (rod side). Ví dụ:
- TP 970, là bơm tĩnh có năng suất bơm 90 m3/h và áp suất bơm là 70 bar.
- TP 1015, là bơm tĩnh có năng suất bơm 100 m3/h và áp suất bơm là 150 bar.
Các thông số chủ yếu của bơm tĩnh
- Tầm bơm theo phương thẳng đứng (Vertical transfer): là độ cao bơm.
- Tầm bơm theo phương ngang (Horizon transfer): Là khoảng cách chiều ngang có thể bơm.
- Đường kính xy lanh đẩy bê tông (Diameter of delivery pipe): Là đường kính trong của hai xy lanh đẩy bê tông.
- Đường kính xi lanh thủy lực (Diameter of Hyd.Driver): Là đường kính trong của hai xy lanh thủy lực.
- Lưu lượng ra của bê tông trên trục (Max.theo.Concrete output on rod): Là lưu lượng ra của bê tông sinh ra trên phía có trục của piston.
- Lưu lượng ra của bê tông trên piston (Max.theo.Concrete output on piston): Là lưu lượng ra của bê tông sinh ra trên phía piston.
- Áp suất ra của bê tông trên trục (Max.theo.Concrete pressure on rod): Là áp suất ra của bê tông sinh ra trên phía có trục của piston.
- Áp suất ra của bê tông trên piston (Max.theo.Concrete pressure on piston): Là áp suất ra của bê tông sinh ra trên phía piston.
- Dung tích phễu chứa (Hopper volume): Là dung tích lý thuyết của phễu nạp liệu.
- Áp lực của bơm nước (Water pump pressure): Là áp lực ngõ ra lớn nhất của bơm nước.
- Bơm thủy lực cho hệ thống ổn áp và tích áp (Accumulator pump).
Các bạn có thể tham khảo một số thông số kỹ thuật chính của xe bơm tĩnh Everdigm hiện đang được Vipec phân phối TẠI ĐÂY
Khả năng ứng dụng của bơm tĩnh rất đa dạng. Trong những công trình lớn như các khu liên hợp hoặc tổ hợp của các tòa nhà thì bơm tĩnh hoạt động rất hiệu quả. Tại những khu vực đó người ta thường bố trí nhiều khu vực đặt bơm cùng hệ thống đường ống. Khi chiều cao thi công lên cao thì tổ hợp đường ống sẽ phát triển theo. Khi tòa nhà vượt tầm thì người ta sẽ ứng dụng Placing Pump kết hợp với bơm tĩnh cho khả năng làm việc đa dạng và cơ động hơn rất nhiều.
Với việc thi công các tòa nhà cao tầng thì người ta thường sử dụng bộ van chống tuột (shuttoff valve) tại vị trí đường ống chuyển tiếp từ mặt đất lên cao (tại co chuyển 90 độ) nhằm tránh tình trạng bê tông đổ ngược khi có sự cố về bơm.
Phụ tùng hoạt động cho bơm tĩnh tiêu chuẩn cho 100m chiều cao
STT | Chủng loại | Quy cách | Số lượng |
1 | Ống bơm bê tông loại 3m | DN125 x 3000 | 33 |
2 | Ống bơm bê tông loại 2m | DN125 - 2000L | 2 |
3 | Ống bơm bê tông loại 1m | DN125 - 1000L | 2 |
4 | Cùm ống áp suất cao | 5.5' | 48 |
5 | Seal (5.5' / O-RING) | Áp cao | 48 |
6 | Co 90 độ | 125 - 1000R - 90' | 3 |
10 | Co 45 độ | 125 - 1000R - 45' | 2 |
11 | Co 15 độ | 125 - 1000R - 15' | 2 |
12 | Qủa bóng rửa ống | 125 | 10 |
13 | Van chống tuột | 2 đường | 1 |
Tổng cộng | 151 |
Lưu ý: thông số chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi mà không báo trước.
Ống dẫn có 2 loại khác biệt nhau. Nếu dùng cho dòng TP970 sẽ sử dụng cùm ống đòn bẩy với seal cao su. Nếu dòng TP1012 đến TP1015 thì sử dụng cùm ống vặn đai ốc có oring làm kín.
Ngoài ra ống tiêu chuẩn sử dụng DN125 những cũng có thể sử dụng DN150.
Khi bơm bê tông người ta thường sử dụng kết cấu xoay để chuyển vị trí bơm được thuận tiện. Phương pháp sử dụng là dùng 2 co 90 độ với R500 nối với nhau tạo nên góc xoay linh hoạt. Cần chú ý là khi thi công, ống dẫn phải cố định các đường ống thật chặt và tựa vào cột hoặc dầm của tòa nhà, tránh hiện tượng đấu nối ống tại vị trí cổ cột vì khi rung động sẽ làm ảnh hưởng đến cấu trúc tòa nhà.
Với đầu ra bê tông (end hose) tuyệt đối không được gắn ống cao su, đây là phương pháp nguy hiểm do tại ngõ ra sẽ giải phóng một áp lực lớn tích tụ trong ống dẫn. Khi áp lực được giải phóng đột ngột sẽ gây hiện tượng lắc ống và làm ống vẩy rất mạnh có thể gây ra tai nạn bất ngờ.
C - CẦN CỐ ĐỊNH (PLACING BOOM)
Là một loại thiết bị bổ trợ cho thi công bê tông. Cấu tạo là một trụ đỡ, trên đỉnh trụ có gắn bệ đỡ và cần bơm của xe bơm cần. Hệ thống được ổn định bởi hệ đối trọng phía sau. Khi hoạt động cần bơm có thể xoay quanh trục của nó với 370 độ.
Được cấp bởi nguồn điện xoay chiều 3 phase 380V dùng riêng cho hệ thống cần nên đạt độ ổn định cao khi làm việc.
Ký hiệu của Placing boom
PB xy -z
- PB (Placing boom): Cần cố định.
- xy: Chiều dài cần.
- Z: Số đoạn cần.
Ví dụ: PB 32 - 4 có nghĩa cần cố định với 32m chiều dài cần và có 4 đoạn cần.
Khi lắp đặt placing boom người ta thường sử dụng hệ thống không gian thang máy để lắp đặt. Khi nền móng tòa nhà đã được thi công thì người ta sẽ thi công móng cho placing boom và lắp đặt trụ của nó . Khi tòa nhà được xây dựng càng cao thì placing boom sẽ lên cao theo. Để có thể nâng hệ thống người ta sẽ dùng hệ thống xy lanh thủy lực nâng trụ lên với bước nâng 1 m. Thân trụ sẽ được cố định vào tấm sàn bê tông hoặc các dầm biên của tòa nhà bằng hệ thống gá đặc biệt. Một điều cần chú ý placing boom khi lắp đặt và tháo dỡ cần phải có hệ thống cẩu tháp với sức nâng 15t trở lên.
Các bộ phận của placing boom
Điểm đặc trưng | Đơn vị | Model - PB32 |
Loại cần | - | Cần cuộn 4 đoạn, 32m |
Tầm với theo phương ngang | m | 32 |
Chiều sâu hoạt động | m | 24 |
Ống ra bê tông | m | 3 |
Chiều dài trụ đỡ | m | 20 (10m x 2) |
Góc quay | ˚ | 370 |
Nguồn điện động lực | V / Hz | 380 / 60 (STD) - 380 / 50 (Option) - 440 / 50 (Option) |
Hệ thống điều khiển từ xa | - | Cable Remote Control |
- | Radio Remote Control | |
Khối lượng cần | Kg | 5,800 |
Khối lượng bệ đỡ | Kg | 2,500 |
Khối lượng trụ đỡ | Kg | 3,300 x 2 |
Đối trọng + khung đỡ | Kg | 6,900 (6,300 + 600) |
Lưu ý: thông số chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi mà không báo trước.
Các phụ kiện hỗ trợ cho PB
STT | Tên gọi | Đơn vị | PB32 |
1 | Cần bơm không có bệ đỡ | cái | 1 |
2 | Bệ đỡ | cái | 1 |
3 | Trụ chính (750mm x 750mm x 10,000m) | cái | 2 |
4 | Khung cố định trụ | cái | 3 |
5 | Chốt trụ | cái | 2 |
6 | Romote điều khiển | cái | 1 |
7 | Cable Remote Control with 40m cable | cái | 1 |
8 | Ống ra bê tông - 3m | cái | 1 |
9 | Xy lanh nâng trụ | cái | 1 |
10 | Ống thủy lực | cái | 1 |
11 | Bộ điều khiển nâng trụ | cái | 1 |
12 | Bộ chuyển đổi | cái | 1 |
13 | Bệ thao tác | cái | 1 |
14 | Thang leo | cái | 1 |
15 | Đối trọng bê tông | cái | 3 |
16 | Khung đối trọng | cái | 1 |
17 | Bulong đai ốc (M30X400) | Bộ | 1 |
18 | Phụ tùng | Bộ | 1 |
Lưu ý: thông số chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi mà không báo trước.
Khi thiết bị hoạt động thì luôn đòi hỏi nơi đó phải có nguồn điện 3 phase. Nếu không có lưới điện thì phải có máy phát điện hỗ trợ cho nó. Thiết bị sẽ phát huy sức mạnh của mình khi nó kết hợp với thiết bị bơm tĩnh TP1015 trở lên hoặc dòng LP1212. Trong những công trình cao ốc lớn người ta thường lắp đặt liên hoàn từ 4 placing boom trở lên làm cho thời gian thi công rút ngắn và đảm bảo được chất lượng của khối đổ.
Trong công nghệ xây dựng hiện đại ngày nay như công nghệ cốt pha trượt (Slid form) thì ứng dụng hệ thống bơm này sẽ đạt được tiến độ rất nhanh. Tuy nhiên mặt trái của ứng dụng này là đòi hỏi hệ thống đỡ trụ rất đắt tiền cho nên ứng dụng PB vào công nghệ này tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Các loại Placing Boom của Everdigm
Tên gọi | Đơn vị | EPB 28 | EPB 32 | EPB 36 | EPB 42 |
Cần | |||||
Loại cần | - | 4 - R Boom | 4 - R Boom | 4 - R Boom | 4 - R Boom |
Tầm với phương ngang | m | 28 | 32 | 36 | 42 |
Chiều sâu thao tác | m | 21 | 24 | 29 | 27 |
Ống ngõ ra | m | 3 | 3 | 3 | 3 |
Phần kết hợp | |||||
Chiều cao trụ | m | 20 (10m x 2EA) | 20 (10m x 2EA) | 20 (10m x 2EA) | Tower mast |
Option: Tower mast | Option: Tower mast | Option: Tower mast | |||
Nguồn động lực | V / Hz | 380 / 60 | 380 / 60 | 380 / 60 | 380 / 60 |
380 / 50 (Option) | 380 / 50 (Option) | 380 / 50 (Option) | 380 / 50 (Option) | ||
440 / 50 (Option) | 440 / 50 (Option) | 440 / 50 (Option) | 440 / 50 (Option) | ||
Khối lượng | |||||
Trọng lượng cần | Kg | 5,000 | 5,800 | 5,300 | 5,000 |
Trọng lượng bệ đỡ | Kg | 2,500 | 2,500 | 5,000 | 11,000 |
Đối trọng và khung | Kg | 2,500 (2,100 + 400) | 6,900 (6,300 + 600) | 13,300 (12,000 + 1,300) | 14,400 (10,500 + 3,500) |
Lưu ý: thông số chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi mà không báo trước.
Phương pháp nâng toàn bộ bơm cố định
Bước 1:
+ Chuẩn bị hệ thống nâng trụ. Kiểm tra nguồn động lực điều khiển bơm thủy lực.
+ Kiểm tra xung quanh và thân trụ.
+ Khởi động bơm thủy lực và chuyển mạch điều khiển nâng bằng remote.
Bước 2: Cho chốt Pin 1 vào thân trụ tại vị trí xy lanh nâng.
Bước 3: Gài chốt an toàn.
Bước 4: Tháo chốt Pin2 ra khỏi Bracket.
Bước 5: Tiến hành nâng trụ đạt vị trí cần thiết (1m).
Bước 6: Cho chốt Pin 2 vào Bracket.
Bước 7: Tháo chốt Pin 1.
Bước 8: Rút xy lanh nâng về.
Bước 9: Dời hệ thống nâng lên tầng trên và lặp lại chu trình.
Sự kết hợp giữa PB với xe bơm tĩnh hoặc bơm ngang và thiết bị cấp phối
Khi hoạt động, bê tông được chuyển đến bằng xe trộn. Bơm tĩnh xe có nhiệm vụ đẩy bê tông lên placing boom. Placing boom hoạt động sẽ bơm bê tông đến các vị trí cần thiết. Khi công việc đã hoàn tất, do tòa nhà xây dựng có chiều cao nên sẽ còn bê tông trong đường ống với khối lượng lớn. Lúc này người ta không thể thực hiện thao tác hút về mà sẽ sử dụng phương pháp trọng lực bằng cách:
- Cho xe trộn hồi tiếp vào vị trí có đường ống chuyển vào bồn trộn sau đó mở van chuyển bộ đảo chiều. Lúc này hệ đường ống của PB sẽ kết nối với xe trộn hồi tiếp. Bê tông từ trên cao do tác dụng của trọng lực sẽ tự dịch chuyển và chảy vào xe trộn. Khi bê tông đầy xe hồi người ta sẽ mở ngược bộ đảo chiều và bê tông bị chặn lại tại đó, xe hồi bê tông sẽ chuyển bê tông đi và xe khác sẽ vào vị trí và tiếp tục công việc cho đến khi bê tông không còn nữa và từ lúc này xe bơm tĩnh sẽ thực hiện công việc còn lại là rửa và làm sạch đường ống.
Chú ý: Cũng giống như bơm tĩnh, hệ thống này cũng có một bộ phận an toàn đó là van chống tuột, đây là một thiết bị không thể thiếu khi sử dụng thiết bị này.
Quy định về thời gian thay thế phụ tùng:
- Sau khi bơm trên 2000 m3: thay thế các co ống.
- Sau khi bơm 5000 m3 nên thay thế da bơm.
- Sau khi bơm 8000 m3 nên thay thế mặt chà động và tĩnh.
- Sau khi bơm 12000 m3 nên thay thế bạc trục quả lắc trước và sau.
- Mỗi 30000 m3 phải thay quả lắc và phot ty thủy lực.
Bảo dưỡng kỹ thuật máy bơm bê tông
Quy định chung
Bảo dưỡng kỹ thuật máy bơm bê tông bao gồm công việc kiểm tra hàng ngày và định kỳ như: siết ốc, bôi trơn thay dầu mỡ và điều chỉnh các cơ cấu máy bơm bê tông áp dụng cho máy mới và máy cũ. Các công việc bảo dưỡng được chia ra như sau:
- Thực hiện bảo dưỡng kỹ thuật khi chuẩn bị máy đưa ra sử dụng, trong thời gian và sau 50 giờ chạy đầu tiên của máy mới.
- Thực hiện theo yêu cầu bảo dưỡng kỹ thuật bắt buộc (hoặc theo định kỳ).
- Những công việc bảo dưỡng kỹ thuật máy bơm bê tông mới cũng được thực hiện đồng thời.
- Những công việc bảo dưỡng theo yêu cầu sẽ được thực hiện tuỳ thuộc vào chỉ số của các dụng cụ đo, các tín hiệu và các dấu hiệu cụ thể thông báo tình trạng kỹ thuật. Việc thực hiện các công việc đó sẽ tiến hành theo nguyên tắc trong khi bảo dưỡng sau mỗi ca làm việc. Các công việc theo bảo dưỡng theo định kỳ sẽ được thực hiện không cần kiểm tra trước tình trạng máy. Đối với máy bơm bê tông quy định các loại bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ như sau:
- ETM: bảo dưỡng kỹ thuật được thực hiện theo mỗi ca hoặc theo mỗi giờ chạy.
- TM 1: sau mỗi 50 giờ chạy.
- TM 2: sau mỗi 250 giờ chạy.
- TM 3: sau mỗi 1000 giờ chạy.
- STM: bảo dưỡng kỹ thuật được thực hiện khi chuyển mùa: (Season technique maintain)
- Khi chuyển mùa từ thu đông sang xuân hè (khi nhiệt độ không khí xung quanh từ dưới -5 đến +5 độ C, thường áp dụng cho các miền có khí hậu lạnh (như Nga).
- Khi chuyển mùa hè sang thu đông (khi nhiệt độ không khí xung quanh bắt đầu xuống dưới +5 độ C).
Việc bảo dưỡng theo mùa có thể làm cùng với 1 trong các TM khi sử dụng máy bơm bê tông trong những điều kiện đặc biệt (bụi bẩn nhiều, đá dặm, đất lầy, nhiệt độ thấp, đồi dốc cao) thì việc bảo dưỡng kỹ thuật được thực hiện bổ sung.
KHÔNG ĐƯỢC PHÉP SỬ DỤNG MÁY BƠM BÊ TÔNG KHI CHƯA THỰC HIỆN BẢO DƯỠNG KỸ THUẬT ĐẦY ĐỦ VÀ THEO ĐỊNH KỲ QUY ĐỊNH.
Tùy theo điều kiện làm việc của máy bơm bê tông có thể cho phép xê dịch thời gian bảo dưỡng định kỳ TM1, TM2 - 10%, TM3 - 5%.
Bảo dưỡng sau mỗi ca và bảo dưỡng định kỳ TM1 và TM2 có thể được thực hiện ngay nơi làm việc của máy bơm bê tông trên một khoảng đất trống sạch sẽ và an toàn cháy nổ.
Bảo dưỡng khi chuyển mùa được thực hiện trong xưởng có mái che hoặc ở những nơi mà mưa và bụi không ảnh hưởng đến máy bơm bê tông. Công việc rửa, châm nước (nhiên liệu chất chống đông), bơm nhiên liệu vào máybơm bê tông phải được thực hiện cẩn thận, không làm dấy bẩn, rơi vãi ra nơi bảo dưỡng.
Khi xả nhớt bẩn từ hệ thống và từ các cụm cấu thành của thiết bị, cần phải sử dụng những dụng cụ chứa (xô, chậu...) không được để nhớt chảy hoặc trào ra sàn (đất) và đảm bảo đồ chứa phải chứa đủ chất xả ra.
Vật liệu lau chùi sạch, sau công việc, phải được gom lại và bảo quản ở một nơi riêng.
Nhớt đã sử dụng phải được chứa trong thùng chứa chuyên dụng để có thể đem đi tái chế.
Nhiên liệu Diezen, dầu hỏa, xăng dùng để rửa các chi tiết, không được đổ đi, không được trộn lẫn vào nhau, chứa trong một bình chứa riêng để lắng, sau đó có thể sử dụng lại.
Công việc siết ốc với moment quy định phải được thực hiện bằng khoá có lực kế.
Các công việc bảo dưỡng kỹ thuật đối với máy mới:
Áp dụng cho thiết bị sử dụng lần đầu tiên:
+ Kiểm tra sự đồng bộ và lắp lại các chi tiết đã tháo ra khỏi máy trong quá trình vận chuyển, bảo quản.
+ Tháo lớp bảo quản bên ngoài, lau sạch mỡ bảo vệ và tháo bỏ lớp giấy paraphin bảo vệ của những chi tiết cấu thành của máybơm bê tông, được bao bọc khi bảo quản.
+ Phải kiểm tra các mức đo dầu, nhớt động cơ, nhớt thủy lực nếu cần châm thêm nhớt vào.
+ Chú ý Cac-te của động cơ.
+ Cac-te của hộp số.
+ Hệ thống làm mát - bằng dung dịch làm mát (ở Việt Nam dùng nước sạch không nhiễm phèn).
+ Kiểm tra két nước, két làm mát thủy lực.
+ Kiểm tra bình ắc quy và hệ thống điện.
+ Kiểm tra hệ thống cần.
+ Kiểm tra hệ thống làm mát da bơm.
+ Kiểm tra hệ thống quả lắc + mặt chà và bôi trơn tự động.
Kiểm tra bằng cách quan sát bề ngoài, độ tin cậy của các khớp nối giữa các bộ phận cấu thành của máy, đảm bảo không rò rỉ nhiên liệu, nhớt, dung dịch làm mát và nếu thấy cần thiết thì hãy siết chặt lại và khắc phục sự rò rỉ.
* Ghi chú: sau khi khởi động máy phải quan sát ngay các đồng hồ đo trên bảng táp lô (sạc, áp suất nhớt động cơ và nhiệt độ nước, đồng hồ giờ máy...) nếu có đồng hồ nào không hoạt động thì phải báo ngay cho Nhà sản xuất-Nhà cung cấp để khắc phục hoặc thay thế.
Sau 50 giờ hoạt động cần tiến hành bảo dưỡng và tiên hành thay nhớt động cơ, nhớt hộp số (cần chú ý hộp số cơ và hộp số thủy lực). Nhớt động cơ sau 50 giờ nên thay loại nhớt 15w/40, nhớt hộp số thủy lực nên dùng VG46 (hãng GS). Khi thay dầu nhớt cần chú ý vệ sinh và xúc rửa kỹ hệ thống chứa dầu và đồng thời tiến hành thay các loại lọc.
Chú thích:
- ETM1: thực hiện trong 50 giờ máy đầu tiên => Bảo dưỡng toàn bộ. Thay nhớt động cơ, hộp số và lọc các loại. Cần chú ý dùng đúng loại lọc và dầu theo quy định.
- TM2: thực hiện sau mỗi 250 giờ máy => Bảo dưỡng toàn bộ. Thay nhớt động cơ, hộp số và lọc các loại. Cần chú ý dùng đúng loại lọc và dầu theo quy định
- TM2 bs: thực hiện sau mỗi 500 giờ máy => Bảo dưỡng toàn bộ. Thay nhớt động cơ, hộp số và lọc các loại. Cần chú ý dùng đúng loại lọc và dầu theo quy định.
- TO-3: thực hiện sau mỗi 1000 giờ máy => Bảo dưỡng toàn bộ. Thay nhớt động cơ, hộp số và lọc các loại. Cần chú ý dùng đúng loại lọc và dầu theo quy định.
- TO-3 bs: thực hiện sau mỗi 2000 giờ => Bảo dưỡng toàn bộ. Thay nhớt động cơ, hộp số, nhớt thủy lực và lọc các loại. Cần chú ý dùng đúng loại lọc và dầu theo quy định.
Người biên soạn - Nguyễn Anh Long
Tin liên quan
Từ khóa: placing boom, xe bơm bê tông, xe bơm bê tông hyundai everdigm, xe bơm bê tông hyundai everdigm 43CX, xe bơm bê tông cần, bơm thủy lực mạch kín, hệ thống bơm thủy lực mạch kín, bơm thủy lực mạch hở