GIỚI THIỆU CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐÈO CẢ (DEOCA GROUP)
Những ngày vừa qua, VITRAC vừa tiến hành bàn giao thành công đến Công ty CP Tập Đoàn Đèo Cả (Deoca Group) 10 chiếc xe lu Hamm 311D đời mới nhất. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc chuẩn bị kịp đơn hàng lần này để có thể giúp Tập đoàn Đèo Cả thi công dự án Cao tốc Bắc Nam (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) được tốt nhất.
Trong năm 2021, Tập đoàn Đèo Cả đã Ký hợp đồng xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km, điểm đầu tại km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Điểm cuối Dự án tại KM134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỷ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỷ đồng). Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỷ đồng.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN 5729-2012, giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m với vận tốc thiết kế 80km/giờ. Tuyến hầm Núi Vung có chiều dài 2,2 km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, lớn thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả và Cù Mông.
Giai đoạn hoàn chỉnh quy mô sẽ lên tới 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,35m. Công trình cao tốc ở dự án này có thêm cả công trình hầm, công trình cầu và các nút giao liên thông và trực thông (cầu vượt hoặc đường chui).
Công trình cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN phù hợp khổ nền đường, giai đoạn phân kỳ bề rộng cầu là 17,5m, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng bổ sung 1 đơn nguyên bên cạnh cầu 16,25m. Công trình hầm được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh một ống hầm bên phải, khai thác với 2 làn xe ngược chiều, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện ống hầm bên trái để khai thác hầm với quy mô hầm 6 làn xe. Đây là dự án có công trình giao thông đường bộ cấp I, công trình hầm cấp đặc biệt.
Công ty CP Tổng Công Ty Vĩnh Phú (VITRAC) đã có nhiều lần hợp tác với Tập Đoàn Đèo Cả thông qua việc phân phối các thiết bị thi công xây dựng chất lượng như: 10 xe lu Hamm 3412, 4 xe đào Hitachi. Và gần đây nhất là 10 chiếc lu Hamm 311D. Dưới đây là một số hình ảnh bàn giao xe cho Tập đoàn Đèo Cả:
Lu được chốt chắc chắn trên xe đầu kéo để vận chuyển tới công trường đang thi công của Tập đoàn Đèo Cả
Toàn cảnh kho bãi của VITRAC, những chiếc lu Hamm 311D chuẩn bị xuất phát tới công trường
Xe dịch vụ của chúng tôi đã có mặt tại công trường
Xe đã kịp vận chuyển tới công trường Cam Lâm Vĩnh Hảo vào chiều tối
Khách hàng đang thử vận hành xe
Các chuyên viên kỹ thuật của chúng tôi đang hướng dẫn khách hàng cách sử dụng xe hiệu quả
Với uy tín và chất lượng của Tập đoàn Đèo Cả trong các dự án đầu tư công đã, đang và sắp thực hiện, chúng tôi tin rằng trong tương lai sắp tới cả 2 bên sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa, ngày càng gắn bó thân thiết hơn,
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN ĐÈO CẢ
Tập đoàn Đèo Cả có tiền thân là Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch được ra đời vào những năm 1985 của thế kỷ trước tại Phú Yên. Là người đã theo học và được đào tạo khá chuyên sâu trong lĩnh vực điện công nghiệp của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hồ Chí Minh nên doanh nhân Hồ Minh Hoàng đã có bước kế tục gia đình - nhận chuyển giao và tiếp nối khá thành công trong việc quản trị, tái sắp xếp và ổn định doanh nghiệp trong giai đoạn này. Mọi chuẩn bị để ươm mầm hy vọng.
Quản trị tốt, mở rộng quan hệ đối tác, thực hiện thành công các dự án xây dựng, ngành mộc và xây lắp điện tại tỉnh nhà Phú Yên để tạo uy tín là những nỗ lực đáng ghi nhận của Hải Thạch giai đoạn này. Năm 2002, Công ty TNHH Hải Thạch được thành lập và ông Hồ Minh Hoàng trở thành Giám đốc Công ty. Từ năm 2005, Công ty Hải Thạch đã đạt được những bước thành công mới trong lĩnh vực xây dựng, được nhiều người biết đến với nhiều mẫu đèn chiếu sáng hiện đại, lạ mắt như: hình tượng Cán cân công lý tại Quốc lộ 1A, biểu tượng Cá ngừ đại dương ở khu đô thị mới Hưng Phú, hình tượng Cánh chim hy vọng trên đường Hùng Vương…
Giai đoạn 2008 - 2018 ghi nhận nhiều dấu ấn phát triển đặc biệt của Tập đoàn Đèo Cả. Từ năm 2008 Công ty TNHH Hải Thạch được ghi nhận với những bước phát triển ấn tượng. Đến năm 2009, đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi tái cấu trúc và phát triển thành Tập đoàn Hải Thạch vốn có thế mạnh ở các công trình xây lắp điện chiếu sáng lại thử sức “lấn sân” sang một địa hạt mới - thực hiện công trình Hầm đường bộ Đèo Cả với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính.
Từ khát vọng xây dựng doanh nghiệp trở thành tập đoàn kinh tế lớn, Hải Thạch đã từng bước thành lập, liên kết, tập hợp các nhà đầu tư khác hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Năm 2014, hình thành nên Tập đoàn Hải Thạch (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch) hoạt động đa ngành, vững mạnh, có vốn điều lệ lên đến 1.500 tỷ đồng, với hơn 700 cán bộ - nhân viên. Các doanh nghiệp thành viên thuộc hệ thống gồm: Công ty Cổ phần Hải Thạch BOT, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Hoàng Long, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng A2Z, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Hải Thạch, Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Hải Thạch, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thương mại Trung Hải, Công ty Cổ phần Dịch vụ Bảo vệ Vina S.F…
Năm 2015 - 2016, Tập đoàn Hải Thạch tham gia góp vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC). Đến tháng 12.2016, Tập đoàn SBRC chính thức ra mắt, đánh dấu mốc hoàn thiện tái cơ cấu nguồn vốn và dịch chuyển vị trí chiến lược.
Kế thừa và phát triển liên tục trong hơn 30 năm từ Tập đoàn Hải Thạch, với đội ngũ nhân lực có trình độ cao, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, Tập đoàn SBRC tiếp tục đạt được nhiều thành công lớn từ các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là công trình Hầm đường bộ Đèo Cả (1 trong 5 công trình tiêu biểu quốc gia). Là doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải thuộc Chính phủ tin tưởng giao thực hiện các dự án của hạng mục mở rộng hầm Hải Vân 2, tiếp tục thực hiện dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, được giao triển khai giải pháp thu phí không dừng ETC trên công nghệ RIFD…
Nhận thức về một thế giới năng động và đa chiều, từ tháng 5/2018 Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC) chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Deoca Group) - tái cấu trúc để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh trong quy mô khu vực và quốc tế. Tập đoàn Đèo Cả hiện nay là công ty mẹ, bao gồm 19 công ty thành viên chia thành 5 khối ngành nghề như:
- Các ban chuyên môn.
- Khối doanh nghiệp đầu tư.
- Khối doanh nghiệp dự án.
- Khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Các đối tác chiến lược, với gần 5.000 cán bộ - công nhân viên người lao động. Đây là một tập thể thống nhất cùng theo đuổi khát vọng trở thành: “Nhà đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất; Nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp nhất và Tổng thầu mạnh nhất" để thực hiện ước vọng mang đến “cuộc sống an toàn, sung túc cho con người, đất nước Việt Nam”.
CÁC LĨNH LỰC HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA TẬP ĐOÀN ĐÈO CẢ
1. Đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông
Tập đoàn Đèo Cả đã xác định Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực hoạt động chính của Tập đoàn. Từ thực tế xây dựng Hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông, hầm Hải Vân 2, Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn…, Tập đoàn Đèo Cả đã tập hợp được đội ngũ cán bộ - kỹ sư - công nhân kỹ thuật giỏi, “làm chủ” được các công nghệ hiện đại trong và ngoài nước… Hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả được biết đến như là Nhà đầu tư công trình hạ tầng giao thông lớn, có đủ tiềm lực về con người và công nghệ, tự tin để thực hiện thành công mọi dự án về hạ tầng giao thông.
2. Tổng thầu thiết kế, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị
Với hơn 30 năm kinh nghiệm (kế thừa và phát triển từ Tập đoàn Hải Thạch), bên cạnh thế mạnh về đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, Tập đoàn Đèo Cả còn đẩy mạnh phát triển ở lĩnh vực thi công, xây lắp các loại công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà cao tầng, công trình công nghiệp.
Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả tập hợp được các thành viên là những công ty lớn, có thế mạnh về công nghệ kỹ thuật, am hiểu các lĩnh vực xây dựng… sẽ cung cấp đến khách hàng các dịch vụ trọn gói từ thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng các loại công trình, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, giúp khách hàng an tâm hơn về chất lượng công trình.
3. Đầu tư tài chính
Đầu tư tài chính là bước phát triển chiến lược, phù hợp với xu hướng của thời đại, là bước tạo đà quan trọng để Tập đoàn Đèo Cả đạt được các mục tiêu phát triển trong tương lai. Bước đi đầu tiên sẽ là thiết lập mối quan hệ, hợp tác với các công ty/quỹ đầu tư tài chính uy tín (như Vietinbank…) để có nguồn vốn đầu tư vào các dự án. Qua việc đầu tư vốn vào công ty thành viên đã có mối liên kết chặt chẽ, có chung lợi ích kinh tế sẽ tạo điều kiện tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời phân tán rủi ro.
4. Dịch vụ tư vấn, thiết kế, giám sát
Xác định, hoạt động tư vấn, thiết kế, giám sát có vai trò quyết định đến độ an toàn, tính thẩm mỹ và đảm bảo tiến độ cho mọi công trình, dự án. Trong giai đoạn phát triển mới, Tập đoàn Đèo Cả định hướng, tập trung nguồn lực con người và kỹ thuật nhằm đẩy mạnh hoạt động Tư vấn, thiết kế, giám sát. Đây cũng là một trong những nền tảng quan trọng, giúp Đèo Cả hướng đến mục tiêu trở thành Tập đoàn đa ngành nghề vững mạnh trong tương lai.
5. Quản lý vận hành công trình giao thông
Ngoài thế mạnh về đầu tư xây dựng, Tập đoàn Đèo Cả còn có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động quản lý vận hành các công trình giao thông. Hiện Tập đoàn đang đảm trách việc quản lý, vận hành, bảo trì các công trình giao thông đường bộ, trong đó có các hầm đường bộ trên quốc lộ 1A qua miền Trung như Hải Vân, Đèo Cả, Cổ Mã, Phú Gia, Phước Tượng,…
MỘT SỐ DỰ ÁN TIÊU BIỂU
1. Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả
Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả - Quốc lộ 1, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân. Với tổng mức đầu tư 26,154 tỷ đông. Bao gồm các hạng mục:
- Hạng mục xây dựng hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn.
- Hạng mục xây dựng hầm Cù Mông
- Hạng mục mở rộng hầm Hải Vân.
2. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP.Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn được thực hiện bằng hợp đồng BOT, với chiều dài toàn tuyến 110,2km. Dự án có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, thông xe kỹ thuật ngày 30/9/2019, chính thức đưa vào khai thác từ ngày 15/01/2020, thu phí từ ngày 18/02/2020.
3. Mở rộng QL1 đoạn Km1374+525 - Km1392 và Km1405 - Km1425, tỉnh Khánh Hòa
Dự án được khởi công ngày 26.5.2013, tại thôn Cổ Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Chiều dài toàn tuyến khoảng 37,5km. Điểm đầu tại Km1374+525, thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Điểm cuối tại Km1425 (Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hướng tuyến bám theo QL1 hiện hữu; trên toàn tuyến có 18 cây cầu với tổng chiều dài 575,45m.
4. Dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia
Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Phúc Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng mức đầu tư trên 1.842 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 05/2014 và đưa vào sử dụng từ tháng 06/2016. Dự án được xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT làm chủ đầu tư.
5. Dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng
Đường cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có chiều dài 43km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc có tốc độ 80Km/h. Điểm đầu tại Km1 + 800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn; điểm cuối tại Km44 + 749.67 (kết nối với điểm đầu tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) thuộc xã Sao Mai, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
6. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
7. Dự án Cầu Cửa Lục 1 (Cầu Tình Yêu)
Dự án cầu Cửa Lục 1 có chiều dài toàn tuyến 4,265km (Trong đó 05 nhịp cầu chính dài 290 m; cầu dẫn và đường dẫn dài 3.975 m). Điểm đầu dự án giao với tuyến Đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thuộc địa phận phường Giếng Đáy, thành phố Hạ Long; điểm cuối giao với QL279 tại Km24+750 thuộc địa phận xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ (cũ). Dự án được khởi công vào ngày 28/04/2020 và được khánh thành vào ngày 26/01/2022.
8. Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Đường cao Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài 121km, trong đó, trên địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63km. Đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc có tốc độ 80Km/h. Điểm đầu dự án tại Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn); điểm cuối tại Km115+00 tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).
9. Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 (Gói thầu XL02)
Cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài 6,61km, điểm đầu tại km101+126 khớp nối với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; Điểm cuối tại Km107+740 khớp nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao Quốc Lộ 80 thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
10. Dự án Cầu Cửa Lục 3
Dự án cầu Cửa Lục 3 có chiều dài toàn tuyến 2,61582 km. Điểm đầu dự án nối với tuyến đường bao biển Cao Xanh - Hà Khánh (tuyến đường chính trong quy hoạch của khu đô thị FLC Tropical City Hạ Long, phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long); điểm cuối nối với QL279 tại Km16+740 thuộc địa phận xã Thống Nhất, Hoành Bồ (cũ).
11. Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45
Dự án Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 là dự án thành phần nằm trong Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 63km. Điểm đầu dự án tại nút giao Mai Sơn (Km274+065) thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Điểm cuối tại Km337+000 sau vị trí giao đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
12. Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đoạn Bạc Liêu - Cà Mau)
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thuộc hệ thống đường cao tốc phía Nam, là một trong 2 tuyến trục dọc trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Điểm đầu dự án kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, điểm kết thúc tại tỉnh Cà Mau. Đây cũng là tuyến kết nối 2 cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.
13. Dự án Hầm Bao biển
Hầm Bao biển là một hạng mục thuộc dự án đường Bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh. Dự án hầm Bao biển có tổng mức đầu tư 247.538 triệu đồng, khởi công từ 12/2020, khánh thành vào ngày 26/01/2022.
Tin liên quan
Từ khóa: Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Deoca Group