GIẢI PHÁP TỐI ƯU THI CÔNG ĐƯỜNG ĐUA F1 TẠI VIỆT NAM
Để xây dựng đường đua F1 theo tiêu chuẩn Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA), Việt Nam dự kiến kinh phí khoảng 60 triệu USD (hơn 1.450 tỉ đồng)...
Để xây dựng đường đua F1 theo tiêu chuẩn Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA), Việt Nam dự kiến kinh phí khoảng 60 triệu USD (hơn 1.450 tỉ đồng) và áp dụng công nghệ tiên tiến theo kinh nghiệm một số nước có đường đua F1. Trong đó phải kể đến việc thi công trải bê tông nhựa mặt đường đua bằng máy trải VÖGELE mà Singapore đã áp dụng thành công.
Từ kinh nghiệm của Singapore
Đến năm 2020, khi chặng đua F1 hoàn thành theo như kế hoạch thì Việt Nam là nước thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á sau Singapore và Malaysia có đường đua F1. Năm 2008, Singapore chi ra đến 110 triệu USD để tổ chức, xây dựng đường đua F1. Nhờ khai thác tốt, họ đã thu về khoảng 150 triệu USD. Từ đó đến nay Singapore đều đặn được tổ chức một chặng đua F1 hằng năm.
Quay trở lại năm 2008, khi việc xây dựng đường đua F1 Grand Prix tại Singapore đang trong giai đoạn gấp rút, hai gói thầu chính trải bê tông nhựa đã được trao cho Công ty xây dựng của Tập đoàn OKP, Singapore. Gói thầu bao gồm việc tái tạo lại bề mặt cho tuyến đường Marina Bay, mở rộng mặt đường đại lộ Raffles và trải lớp bề mặt mới cho tuyến đường đua này cùng một số tuyến đường khác, bao gồm một phần tuyến Đại lộ Raffles, tuyến St. Andrews Road, đường Fullerton, cao tốc Nicholl và đại lộ Temasek.
Ở công trình này, sau khi cào bóc bằng máy Wirtgen 5-5,5cm lớp mặt cũ, máy trải VÖGELE sẽ thảm lên từ 5-10 cm bê tông nhựa đặc biệt dùng cho tuyến đường đua F1.
Một vài đoạn trên tuyến đường này được trải bằng loại vật liệu bê tông nhựa đặc biệt đảm bảo tuân theo các quy chuẩn khắt khe của Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA).
Sai số về độ bằng phẳng của bề mặt đường đua không được quá 3mm theo phương ngang trên mỗi đoạn 4m dài bất kỳ. Ngoài ra, còn có các quy định đặc biệt về việc kẻ sơn đánh dấu trên mặt đường đua. Các vệt sơn đánh dấu không được áp dụng ở khu vực xe cần phanh để tránh tình trạng xe đua bị trượt. Các xử lý tại những khúc cong, các vị trí điểm mù cần phải tuân theo quy định để đảm bảo an toàn cho các tay đua. Để đáp ứng yêu cầu trên của FIA, OKP đã đầu tư mới 2 máy trải VÖGELE hiện đại để đảm bảo chất lượng thi công và duy trì tiến độ cho dự án.
Sử dụng máy trải VOGELE và bê tông nhựa đặc biệt
Thế hệ máy trải đời mới nhất lúc bấy giờ là SUPER 1600-2 có khả năng thảm với bề rộng tối đa lên đến 8m, có chức năng điều chỉnh thiết bị cùng hệ thống NIVELTRONIC Plus (Hệ thống kiểm soát cao độ và góc nghiêng tự động). Đáp ứng các yêu cầu khắt khe trong việc tạo nên độ bằng phẳng cho đường đua Grand Prix, hệ thống cảm biến đa điểm VÖGELE Big MultiPlex Ski đã được sử dụng trên mỗi máy trải bánh xích. Cùng với hệ thống NIVELTRONIC® PLUS kiểm soát cao độ và góc nghiêng tự động, thiết bị trải thảm chủ lực đã cung cấp mặt tham chiếu chuẩn thông qua các đo đạc của chính cảm biến.
Tổng bề rộng của đường đua là 15m do đó cần 2 máy SUPER 1600-2 với bề rộng vệt trải mỗi máy là 7,5m. Để đảm bảo các mối nối hoàn hảo giữa các vệt trải liền kề, máy trải nhựa VÖGELE phải tiến hành trải 2 vệt trải đồng thời (nóng bên cạnh nóng).Bên cạnh đó, hầu hết công tác thi công trải nhựa đều thực hiện trong các thành phố có dân số đông đúc và đều phải tiến hành vào ban đêm. Do đó, cần hạn chế tối đa tiếng ồn và chấn động. Máy trải VÖGELE SUPER1600-2 là một sự lựa chọn hoàn hảo.
Động cơ PERKINS khỏe, hoạt động vô cùng êm dịu ở chế độ làm việc tiêu chuẩn. Khi chọn chế độ ECO Mode, chế độ được trang bị bổ sung cho nhiều ứng dụng, độ phát thải tiếng ồn còn giảm nhiều hơn nữa. Tiếp theo sau là dây chuyền đầm nén với công nghệ lu day Hamm Oscillation giúp tăng thêm hiệu quả đầm nén lên đến 30% nhưng không gây chấn động cho các công trình nhà dân lân cận.
Bê tông nhựa dùng trải các tuyến đường đua
Nhiều năm qua, bê tông nhựa đã dần chứng tỏ mình là nguồn vật liệu tối ưu cho các đường đua F1, được nhiều trường đua áp dụng. Những đặc tính cơ bản ưu việt của bê tông nhựa đáp ứng được các yêu cầu đặc điểm, tính năng của bề mặt đường cho phép các phương tiện lưu thông an toàn sau khi được trải, kể cả độ kháng trượt và độ phẳng.Sức kháng trượt có thể đạt được bằng cách chọn cốt liệu có khả năng kháng mài nhẵn cao. Thông số dùng để xác định sức kháng trượt này là giá trị độ kháng bóng (PSV). Cốt liệu có PSV 58 sẽ tạo nên tính kháng trượt cao cho bề mặt đường.
Bê tông nhựa được xem là vật liệu thường dùng để xây dựng đường đua bởi chúng tạo nên sự cân bằng về độ nhám mặt đường do thành phần cốt liệu có hàm lượng cát cao và thành phần hạt tối ưu, từ đó góp phần tạo nên tính chất kháng trượt. Chỉ số độ gồ ghề quốc tế (IRI) được xem như là tiêu chuẩn để đánh giá độ nhám bề mặt đường. Nguyên tắc chung: Giá trị chỉ số càng cao, giá trị độ bám đường cho phương tiện lưu thông càng lớn.
Để đảm bảo độ phẳng trong việc thi công đường đua F1, dự án đặt ra yêu cầu về thiết bị thi công phải ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Các thiết bị chính như máy trải bê tông nhựa và các thiết bị phụ trợ như máy lu, máy cào bóc cùng với loại vật liệu, phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe đặt ra trong tiêu chuẩn thi công đường đua F1. Cho đến thời điểm hiện tại máy trải bê tông nhựa VOGELE đã được nâng cấp lên đời -3 với những cải tiến về công nghệ vượt bậc so với máy -2.
Với những tuyến đường đua với tốc độ cao, ứng suất tác động lên lớp trải không chỉ là tải trọng động hay tĩnh sinh ra do tải trọng của phương tiện mà còn có cả ứng suất cắt ngang sinh ra từ việc tăng tốc cũng như phanh xe của những siêu xe đua loại 900HP.
Và hơn hết, bê tông nhựa sử dụng phải có độ bền cao để chống lại được ảnh hưởng của nhiệt sinh ra từ việc lưu thông với tốc độ cao của các xe đua. Tất cả những yêu cầu trên chính là những thách thức về mặt kỹ thuật trong công tác thiết kế và thi công mà các đơn vị tham gia sẽ phải lưu ý khi triển khai thực hiện dự án này.